Ý nghĩa của những chiếc bánh chưng gù Hà Giang

Vào mỗi dịp tết về, mỗi vùng có “một linh hồn” riêng. Miền Bắc là bánh chưng vuông, miền Nam là bánh tét dài và mỗi địa phương lại có loại bánh đặc trưng khác, điển hình là ở Hà Giang với những chiếc bánh chưng gù.

          Thể hiện đậm đà bản sắc núi rừng Hà Giang

Bánh chưng gù thôn Bản Tùy mang đậm nét núi rừng Hà Giang qua từng lớp lá dong rừng xanh ngát, qua từng hạt gạo nếp thơm dẻo. Ấy là những quà tặng của núi rừng dành cho những người con Hà Giang – những người Tày thôn Bản Tùy. Họ có một đôi tay khéo léo, đã đem tất cả những tinh hoa núi rừng tạo nên một thứ bánh truyền thống của người Tày, bánh chưng gù. Bánh chưng gù khác những loại bánh chưng khác, chúng có một hình dáng đặc biệt. Có người thấy chúng giống như những cái lu múp míp, người thì thấy chúng giống như những đồi núi điệp trùng nơi cao nguyên đá. Bánh chưng gù khác với bánh chưng vuông của miền Bắc hay bánh tét dài ở miền Nam. Chúng chỉ dài hơn một găng tay nhưng lại được những người thợ gói sao cho dày hẳn lên. Chúng cong cong, gù gù, trông chúng chân chất hình ảnh núi rừng trong cái nhìn của những người Tày Hà Giang.

          Mang đậm giá trị truyền thống dân tộc

Từ thủa xa xưa, bánh chưng gù được thiết kế với hình dáng nhỏ nhắn, cầm vừa tay là một trong những điều khiến bánh chưng gù được ưa chuộng hơn hết. Bởi lẽ, khi những người nơi đây đi làm nương rẫy, họ có thể mang một vài chiếc bánh chưng gù bên mình để ăn những lúc nghỉ ngơi. Những chiếc bánh nhỏ xinh này đã nuôi sống biết bao người con trên mảnh đất Hà Giang. Cho đến hiện tại, khi đời sống đã khá hơn, những người con miền núi đã mang “thứ quà” truyền thống này tới cho tất cả mọi người được biết. Họ muốn mang đến cho mọi miền tổ quốc hương vị của núi rừng Hà Giang, muốn tất cả mọi người biết đến một đặc sản quê hương của mình… để gắn bó, để tự hào.

          Tôn vinh thành quả lao động của người dân

Không chỉ thể hiện những giá trị văn hóa, truyền thống mà những chiếc bánh chưng gù còn là “hiện thân” của những thành quả lao động của người dân nơi đây. Người Tày sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh, thủy canh trong sản xuất lúa nước; ngoài ra còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả… chăn nuôi theo hình thức thả rông là chủ yếu. Chính vì về những nguyên liệu làm bánh được lấy ngay từ những sản phẩm mà học làm ra. Không biết từ bao giờ, từ khi nào, những chiếc bánh chưng gù này được gói, chỉ biết rằng mỗi khi dịp lễ tết, ngày cúng ông bà tổ tiên là phụ nữ mỗi nhà của người Tày lại gói những chiếc bánh chưng gù. Kể cả đến ngày nay, tại thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, tỉnh Hà Giang, nơi sản xuất bánh chưng gù lớn và tiêu biểu nhất cũng là do những người thợ nữ gói. Những người Tày tại Hà Giang cũng giống bất kỳ nơi nào khác tại Việt Nam, họ sống theo chế độ phụ hệ, người phụ nữ thường phải quán xuyến việc gia đình. Đến nay, những người mẹ, người chị vùng cao đã có thêm thu nhập nhờ nghề làm bánh chưng gù truyền thống này, trở thành những người góp phần phát triển giá trị truyền thống của dân tộc và cũng để tôn vinh những thành quả lao động bao đời của cha ông.

Share:

Author: admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *