Những nguyên liệu tạo nên bánh chưng gù của thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang

Nhắc tới bánh chưng, người ta thường nghĩ tới những chiếc bánh vuông vắn cổ truyền với câu chuyện Bánh chưng, bánh giầy. Tuy nhiên, tại vùng núi Hà Giang, người ta lại làm những chiếc bánh chưng có hình dáng đặc biệt – những chiếc bánh chưng gù.

Những người con Việt Nam chẳng xa lạ gì những chiếc bánh chưng xanh hình vuông hoặc những chiếc bánh tét tròn, dài. Đó là linh hồn, là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta vào mỗi dịp tết cổ truyền. Mỗi vùng miền có cách làm bánh chưng khác nhau, chẳng hạn như: Bánh chưng đen ở Lạng Sơn, bánh chưng Bờ Đậu ở Thái Nguyên, bánh tét dài khu vực miền Nam,…và đặc biệt ở nơi vùng núi phía Bắc – tỉnh Hà Giang có loại bánh chưng gù truyền thống của người dân tộc Tày.

Cũng tương tự với các nguyên liệu làm bánh chưng truyền thống, bánh chưng gù thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang đã tạo nên những chiếc bánh với hình dáng đặc biệt, mà cách làm cũng đặc biệt. Nguyên liệu chính để tạo nên bánh chưng gù vẫn là lá dong, lạt giang, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và tiêu xay.

Những chiếc lá dong xanh được cắt từ vùng núi Hà Giang hoặc được mua từ các tỉnh vùng núi lân cận như Thái Nguyên, Bắc Kạn,… Lạt giang cũng vậy, những chiếc lạt được chẻ ra từ những ống cây giang – loài cây họ nhà tre. Đây là hai nguyên liệu dễ tìm kiếm nhất vì nơi đây là vùng núi cao, những cây dong, cây giang có nhiều điều kiện tốt nhất để phát triển, mà người làm nghề bánh chưng gù tại Hà Giang cũng có thể tìm được những nguyên liệu này một cách thuận tiện nhất. Trước khi sử dụng chúng để gói bánh, những người thợ đã làm sạch từng loại nguyên liệu. Lá dong rửa sạch qua nhiều nước, rồi phơi cho đến khi lá khô, trước khi gói bánh được lau lại một lần nữa để đảm bảo lá luôn sạch sẽ. Lạt giang có vẻ được xử lý phức tạp hơn. Những người thợ đã sử dụng bàn tay khéo léo của mình để chẻ những chiếc lạt mỏng từ các ống giang. Sau đấy, những sợi lạt bắt đầu được hong khô trên gác bếp, nơi mà những nồi bánh chưng đang rực lửa. Công đoạn này có tác dụng làm sợi lạt mềm dẻo hơn, dễ gói hơn.

Trái ngược với hai nguyên liệu trên, những nguyên liệu để tạo nên phần bánh có phần tỉ mỉ hơn.

Đầu tiên là phần gạo nếp tạo nên kết cấu chiếc bánh. Người dân nơi đây sử dụng chủ yếu là Nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương được “nhuộm” bởi màu xanh từ lá dong riềng. Sau khi màu sắc của gạo đã chuyển xanh, những người thợ làm bánh sẽ phơi khô gạo để màu xanh ấy được giữ lâu hơn trong quá trình luộc bánh và giữ được kết cấu khi luộc bánh. Điều này khác với cách làm bánh truyền thống, mọi người thường chỉ để ráo nước trong gạo trước khi gói chứ không để hạt gạo khô như người dân nơi đây.

Bên trong là phần nhân, đây được coi là linh hồn của bánh chưng gù. Phần đỗ xanh (đậu) cũng có sự khác biệt với những nơi khác vì đỗ xanh tại thôn Bản Tùy sau khi ninh nhừ thì những người thợ lại tiếp tục làm khô và nhuyễn. Ấy vậy mà khi bánh chưng được luộc xong, phần đỗ xanh vẫn có sự liên kết với nhau, vẫn mềm và mịn, không bị rời rạc. Phần thịt lợn bên trong là thịt lợn đen được ướp với gia vị và tiêu xay. Thịt được lựa chọn kỹ lưỡng, không quá mỡ cũng không quá nạc, đảm bảo khi ăn sẽ không bị ngấy.

Khi làm bánh, bằng sự khéo léo của những người thợ làng nghề, họ cứ đổ từng lớp, từng lớp: một lớp gạo, một lớp đậu, một lớp thịt. Sau đó những người thợ bắt đầu gói lại bằng những chiếc lá giong. Những chiếc bánh chưng gù cứ thế mà hoàn thành. Chúng không quá to, cũng không quá nhỏ, dễ cầm mà hình dáng lại độc đáo, như những mô hình thu nhỏ của núi rừng nơi cực bắc của tổ quốc.

Như vậy, những chiếc bánh chưng gù mang đậm đặc trưng địa phương dưới sự khéo léo của những người thợ đã được ra đời, góp phần làm các đặc sản Việt Nam đa dạng hơn.

Share:

Author: admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *