Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Việt Nam, nơi chứa đựng nhiều tinh hoa dân tộc, được gom nhặt trong những đặc sản nơi đây. Một trong những đặc sản của Hà Giang phải kể đến: cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà, chè Shan tuyết,…
“Ngao du đến tận cổng trời
Quanh co đèo dốc chơi vơi non ngàn
Địa đầu cực Bắc – Hà Giang
Ngổn ngang đá vẫn xốn xang chợ tình”
-Phạm Ngọc Lại-
Cùng về và thăm vùng núi cao Hà Giang, nơi con người chân chất thật thà và mến khách. Khi về với Hà Giang, những vị khách phương xa đã phải vượt qua biết bao đèo dốc, bao ngọn núi trùng điệp. Nhưng những vị khách phương xa ấy sẽ không bao giờ phải thất vọng vì tại Hà Giang luôn có những điều đặc biệt đang chờ đón họ khám phá. Ngoài những cảnh đẹp núi rừng thì những đặc sản vùng miền cũng là những thứ mà các vị khách phương xa chú ý tới. Họ phải đến tận Hà Giang, nhìn tận mắt những tinh hoa của địa phương mà mang về quê hương. Cũng tại đây, các vị khách đã đến một ngôi làng nhỏ, nằm giữa những núi rừng heo hút để tìm cho bằng được một hương vị của núi rừng – vị của những chiếc bánh chưng gù thôn Bản Tùy. Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy đã có từ thời xa xưa, gắn với sự hình thành dân tộc Tày. Những năm gần đây, thôn Bản Tùy đã được phát triển, có nhiều hộ gia đình đã học và làm bánh chưng Gù. Đên năm 2018, làng nghề Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy đã chính thức được UBND tỉnh công nhận.
Thôn Bản Tùy không có những ngôi nhà cao tầng, không có những ngôi nhà được xây san sát nhau mà cũng như bao vùng quê nghèo, nơi đây nhà cách nhà xa cả một con đường. Những vị khách đã vào thôn và tìm được đến nơi làm những chiếc bánh chưng gù truyền thống lớn nhất thôn, nhà bà Nguyễn Thị Dung. Đó là một ngôi nhà sàn khang trang, trông vẫn còn mới, nhưng điều mà khiến những vị khách bất ngờ là khu sản xuất bánh chưng gù. Nơi đây sản xuất hoàn toàn thủ công, các công đoạn được phân chia một cách rõ ràng, người nào làm việc nấy. Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc HTX sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù bà Dung chia sẻ: “Trước năm 2018, gia đình tôi sản xuất bánh chưng Gù theo phương thức truyền thống. Đến năm 2018, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thị trường; bảo vệ uy tín và thương hiệu của làng nghề Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy, tôi đã đứng ra vận động một số hộ trong thôn góp vốn thành lập HTX Sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù bà Dung”. Có thể thấy, nơi đây những con người luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, đùm bọc và giúp đỡ nhau phát triển như những chiếc bánh chưng gù nhỏ, dù bé nhỏ nhưng bên trong là sự liên kết chặt chẽ của gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn. Những vị khách đã được tìm hiểu về những chiếc bánh thơm ngon này. Họ không thể kiềm lòng mà muốn thưởng thức ngay một chiếc bánh tại nơi sản xuất. Một hương vị khó tả ôm trọn cả một hành trình của những vị khách phương xa. Đó là hương vị từ núi rừng Hà Giang hòa cùng hương vị đậm đà truyền thống của dân tộc Việt khiến mỗi người con quê hương, dù ở xa hay ở gần vẫn luôn vấn vương hương vị ấy.
Những vị khách phương xa bây giờ đã tiếc nuối chào tạm biệt Hà Giang, tạm biệt thôn Bản Tùy với những người dân tộc Tày khéo léo, tài ba nhưng tâm trí họ vẫn còn đang hướng về Hà Giang, nơi tình thương gắn kết bền chặt, nơi những câu thơ còn vang vẳng bên tai:
“Chặng sợ mang tiếng ham chơi
Có đi mới biết đất trời là đây
Hà Giang núi núi mây mây
Ô hay, sóng vẫn dâng đầy mắt ai?”
-Phạm Ngọc Lại-