Bánh chưng gù Hà Giang – đặc sản nức tiếng vùng cao

Nét độc đáo của bánh chưng gù Hà Giang

Bánh chưng gù được biết đến là món ăn nổi tiếng của đồng bào Dao Đỏ nói riêng và vùng đất Hà Giang nói chung. Nét độc đáo của bánh chưng gù Hà Giang so với các vùng khác phải kể đến đầu tiên đó chính là ở tên gọi. Tên gọi bánh chưng gù bắt nguồn từ nét đẹp văn hóa tôn vinh người phụ nữ vùng cao chăm chỉ, cần cù.

Ngoài các nguyên liệu như bánh chưng truyền thống thì bánh chưng gù đặc biệt ở chỗ nhân là thịt lợn đen được tẩm ướp gia vị vừa vặn, gạo nếp nương ngâm với nước lá dong riềng. Chính vì vậy, bánh chưng gù Hà Giang ăn rất mềm, ngon, béo ngậy và không bị ngán.  

Hà Giang là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Dao, Nùng. Với địa hình 3/4 là núi đá, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống cư dân nơi đây rất vất vả. Đến với Hà Giang bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đeo gùi trên lưng vượt đèo, lội suối, làm nương rẫy, lưng gù xuống để làm việc, địu nặng lúa, ngô trên vai. Chính vì vậy, người Dao Đỏ đã lấy hình tượng đó để đặt tên cho chiếc bánh chưng gù của đồng bào mình với ý nghĩa ca ngợi sự chăm chỉ của con người nơi đây và đặc biệt chính là người phụ nữ.

Bánh chưng có nguồn gốc từ truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giày” và do đặc điểm, điều kiện sống, văn hóa bản địa của người Dao Đỏ ở Hà Giang mà họ đã biến tấu tạo nên những chiếc bánh chưng gù độc đáo. Bánh chưng gù có kích thước nhỏ, được gói bằng một lớp lá do vậy việc bóc bánh khá dễ dàng.

Bánh chưng gù ăn rất mềm, ngon, béo ngậy và không bị ngán, Với kích thước nhỏ nên bạn dễ dàng cầm và mang theo ăn khi đói. Chính vì vậy, bánh chưng gù đã trở thành đặc sản nổi tiếng tại Hà Giang và là một trong những đặc sản không thể bỏ qua khi bạn đặt chân đến vùng cao nguyên đá này.

Để có những chiếc bánh chưng gù thơm ngon, đạt chuẩn thì công đoạn chọn nguyên liệu làm bánh cần tỉ mỉ, và kỹ lưỡng nhất. Nguyên liệu để làm ra món bánh chưng gù bao gồm gạo nếp nương trắng ngần, đỗ xanh loại nhỏ, thịt ba chỉ lợn đen, lá dong xanh, lạt buộc mềm.

Không giống với gói bánh chưng vuông của người Kinh thường dùng khuôn và gói nhiều lớp lá, bánh chưng gù được gói tay và chỉ sử dụng 1 lớp lá dong. Để tạo nên hình dáng gù cho chiếc bánh đòi hỏi sự khéo léo của người gói. Cụ thể, cho gạo nếp rải đều lên chiếc lá dong, sau đó cho thêm đỗ và thịt ba chỉ đã ướp, gấp hai mép của chiếc lá dong lại làm sao để tạo nên hình dáng gù cho chiếc bánh- công đoạn này đòi hỏi cực kỳ khéo léo vì nếu không bánh sẽ không cân đối, không đẹp. Sau khi đã gấp mép sẽ dùng lạt buộc buộc hai đầu lại rồi cho đi luộc. Thời gian luộc bánh ước tính khoảng 8 giờ đồng hồ.

Bánh chưng gù gắn liền với văn hóa đồng bào vùng cao

Bánh chưng gù là loại bánh truyền thống trong các dịp lễ quan trọng của đồng bào nơi đây. Mỗi dịp Tết đến xuân về đi khắp các bản làng nơi đây, đặc biệt là bản của người Dao Đỏ bạn có thể bắt gặp sự chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng gù với mong ước cho một mùa màng bội thu, đền ơn sinh dưỡng của ông bà, tổ tiên.

Ngày nay, nhiều hộ gia đình nơi đây đã mở rộng sản xuất bánh chưng gù, tạo nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và góp phần làm phong phú thêm sản vật địa phương, đưa cái tên Hà Giang ngày càng in đậm trên bản đồ du lịch Việt.

Có thể nói, bánh chưng gù là món ăn không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá Hà Giang của mỗi du khách. Ngày nay, bánh chưng gù Hà Giang đã trở thành quà tặng, là đặc sản nổi tiếng của mảnh đất Hà Giang nói riêng, của cả dân tộc Việt Nam nói chung, mang trong mình tinh hoa, văn hóa ẩm thực độc đáo vùng cao.

Share:

Author: admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *