Thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (TP.Hà Giang) có nghề làm bánh chưng gù (còn gọi là bánh chưng đen). Ai đã đặt chân đến Hà Giang và được thưởng thức món bánh chưng gù hẳn sẽ không thể quên hương vị của nó.
Lúc cao điểm trong quy trình sản xuất bánh chưng gù đó là cận dịp Tết Nguyên đán. Vào khoảng thời gian này, xe tải chở nguyên liệu, bánh chưng vào ra nhộn nhịp. Người già, người trẻ cùng nhau làm bánh. Nhờ vậy mà Tết ở Bản Tùy luôn đến sớm hơn mọi nơi trước cả tháng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Dung là một trong những nhà làm bánh có quy mô lớn nhất ở Bản Tùy. Trong cơ sở làm bánh của bà Dung, hơn 20 người làm việc, người thì rửa lá, tách lá, người thì vớt bánh, người gói bánh, luộc bánh… Bà Dung cũng là người có công rất lớn trong việc đưa bánh chưng gù đến với mọi người.
Bà Dung làm nghề gói bánh chưng đã hơn 20 năm. Ban đầu, do cuộc sống khó khăn vất vả, nên vào những lúc nông nhàn bà lại tranh thủ gói bánh chưng gù để đi bán, mong kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống.
Dần dần, món bánh chưng dẻo, thơm ngon, đậm đà hương vị truyền thống đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Số lượng người mua bánh, đặt bánh của nhà bà Dung ngày càng nhiều. Nhận thấy số lượng bánh tiêu thụ ngày càng tăng, gia đình bà Dung đã quyết định mở rộng quy mô, thuê thêm nhân công, mua sắm thêm các vật dụng, xây dựng thêm bếp đun.
Theo bà Dung, mỗi chiếc bánh ra lò, là cả một quá trình chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, cẩn thận, phải toàn tâm toàn ý mới có thể làm ra một chiếc bánh ngon. “Màu xanh của bánh được lấy từ nước cốt lá riềng, màu đen từ tro cây sương muối, đều là các công thức truyền thống; thịt lợn làm nhân được bà trực tiếp mua lợn và tự mổ; gạo nếp là gạo được đặt mua, cùng với đó là các nguyên liệu khác như hạt tiêu, đỗ, lá dong”. Do vậy, bánh chưng Bản Tùy luôn mang một hương vị riêng.
Được biết, từ ngày Rằm tháng Chạp trở đi là khoảng thời gian cao điểm làm hàng Tết, trung bình mỗi ngày cơ sở của bà Dung cung cấp khoảng 4 đến 5 nghìn chiếc bánh ra thị trường. Những ngày bình thường cơ sở của bà Dung cũng tiêu thụ khoảng 2 nghìn chiếc bánh, đem lại thu nhập khoảng 30 đến 50 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường cho biết: Ban đầu bánh chưng gù chỉ được sản xuất chủ yếu phục vụ lễ, tết của bà con người Tày là chủ yếu. Qua mô hình của bà Dung, đến nay hơn 90% các hộ dân trong thôn đều làm bánh chưng, mỗi ngày các cơ sở sản xuất hàng nghìn chiếc bánh đưa đi các thị trường như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí sang cả Quảng Đông (Trung Quốc) và Úc. Để đảm bảo chất lượng và duy trì thương hiệu bánh chưng gù ở Bản Tùy, xã Ngọc Đường đã đề nghị UBND tỉnh xét công nhận thôn Bản Tùy trở thành làng nghề truyền thống.
“Bên cạnh đó, xã sẽ đăng ký bản quyền, dán nhãn mác thương hiệu bánh chưng Bản Tùy và mở các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ dân làm bánh” Chủ tịch xã Ngọc Đường nói.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xác lập, bảo vệ phát triển thương hiệu, ngày 08 tháng 12 năm 2022, UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định số 121/QĐ-SKHCN về việc phê duyệt triển khai nhiệm vụ sở hữu trí tuệ: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh chưng gù Ngọc Đường” cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Việc xây dựng NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang là thật sự cần thiết, góp phần gìn giữ và phát triển các thương hiệu cộng đồng của địa phương. Đặc biệt, thông qua việc đăng ký bảo hộ NHTT, khi sản phẩm lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, quy trình kỹ thuật,… sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp ổn định đời sống và nâng cao giá trị sản xuất sản phẩm mang NHTT.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ, UBND xã Ngọc Đường đã phối hợp với Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D tổ chức Hội nghị khoa học nhằm nâng cao nhận thức cho bà con xã Ngọc Đường về các vấn đề liên quan đến Sở hữu trí tuệ, đồng thời lấy ý kiến đóng góp một số nội dung có liên quan để tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Thông qua hội nghị, Ông Lê Tất Chiến – Đại diện đơn vị chủ trì nhiệm vụ đã tổng kết: “Tổ chức tập thể – Chủ sở hữu nhãn tập thể nhận đóng vai trò trung tâm, trụ cột, do đó cần phải lựa chọn tổ chức tập thể đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về nhân lực, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị hoặc khả năng huy động tập hợp các đơn vị có đủ các điều kiện này để thực hiện việc chứng nhận sản phẩm. Do đó, việc lựa chọn Hội nông dân xã Ngọc Đường đứng tên là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Bên cạnh đó, Quy chế quản lý và sử dụng NHTT là một trong những văn bản bắt buộc phải có trong Bộ hồ sơ đơn đăng ký bảo hộ NHTT. Quy chế này cũng đồng thời là căn cứ pháp lý cơ bản, quan trọng nhất để Chủ sở hữu – Tổ chức tập thể triển khai các hoạt động quản lý việc sử dụng NHTT. Quy chế quản lý và sử dụng NHTT sẽ được hoàn thiện và ban hành trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo ngày hôm nay.”
Như vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đang từng ngày tích cực phát triển thương hiệu, quảng bá thương hiệu “Bánh chưng gù xã Ngọc Đường tỉnh Hà Giang” đến gần hơn với đại đa số người tiêu dùng trong cả nước và tiếp đến là con đường xuất khẩu tới thị trường nước ngoài thường xuyên hơn.