Làng nghề bánh chưng gù thôn Bản Tùy, Hà Giang tất bật đón Tết cổ truyền 2023

Tết cổ truyền Việt Nam hay còn được gọi là Tết Nguyên Đán, là dịp mà mỗi người con xa quê về quây quần bên mái ấm gia đình. Vào những ngày này, các làng nghề lại tất bật chuẩn bị những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

          Nhắc đến tỉnh Hà Giang, người ta không chỉ nhắc đến các sản vật như: Trè Shan tuyết, táo mèo, mật ong bạc hà,… mà người ta còn biết đến bánh chưng gù đã có từ lâu đời. Làng nghề truyền thống làm bánh chưng gù thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang là một trong những làng nghề thủ công truyền thống tại tỉnh Hà Giang. Cách xa những ngôi nhà cao tầng hiện đại, làng nghề làm bánh chưng gù thôn Bản Tùy nằm giữa những ngọn núi cao với những nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày. Nơi đây, những ngôi nhà không san sát như ở thành phố mà cách xa nhau cả một con đường. Vào đến thôn Bản Tùy, người ta không khỏi kinh ngạc bởi sự phát triển của người dân nơi đây. Hầu hết những ngôi nhà sàn không còn lợp bằng lá như ngày xưa mà thay vào đó là những ngôi nhà sàn được xây lên vô vùng khang trang, chắc chắn. Hỏi vào mới biết, những ngôi nhà đó đều là ngôi nhà của những gia đình làm nghề bánh chưng gù.

          Theo chia sẻ của những người thợ làng nghề bánh chưng gù thôn Bản Tùy, những chiếc bánh chưng gù được chuẩn bị với sản lượng nhiều hơn hẳn vào mỗi dịp tết. Ngoài bánh chưng gù, những loại bánh chưng khác như bánh chưng vuông truyền thống, bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gạo lứt cũng được gia tăng sản xuất để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng khắp mọi nơi. Tại làng nghề, những người thợ ngoài việc làm để bán cho người dân tứ phương tới Hà Giang thì còn làm cho những đơn hàng đặt từ mọi miền tổ quốc, thậm chí có những đơn hàng từ nước ngoài. Khách ngoại tỉnh chủ yếu là những khách từ thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Họ tìm vào tận trong thôn bản để đặt số lượng lớn hàng về bán tại các tỉnh miền xuôi.

          Khi hỏi về cách bảo quản bánh chưng gù nơi đây, người thợ chia sẻ rằng khi làm bánh, những nguyên liệu đã được lựa chọn rất kỹ lưỡng nên sau khi bánh chưng gù được ra lò thì có thể để bên ngoài khoảng từ 3 đến 5 ngày. Nếu muốn để lâu hơn thì có thể để trong tủ lạnh thì bảo quản được nhiều nhất lên tới 1 tháng. Ngoài ra, tại các cơ sở sản xuất bánh chưng gù tại thôn Bản Tùy đã sử dụng việc hút chân không trước khi xuất bán để bánh chưng được bảo quản một cách tốt nhất.

          Vào dịp Tết Nguyên Đán 2023 năm nay, làng nghề bánh chưng gù thôn Bản Tùy có vẻ bận rộn hơn năm trước bởi giờ đây, khi dịch bệnh Covid được kiểm soát, làng nghề bắt đầu “vào vụ” sớm hơn từ tháng 10. Đây cũng là khoảng thời gian mà dân làng bận rộn nhất trong năm.

Về làng nghề bánh chưng gù thôn Bản Tùy những ngày này mới thấy rõ không khí tất bật chuẩn bị những chiếc bánh chưng ngon phục vụ Tết cổ truyền của bà con nơi đây. Hy vọng năm nay, thị trường tiêu thụ ổn định để người dân có một cái tết “ấm no”.    

Share:

Author: admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *